Những ngân hàng triển khai eKYC đã thu hoạch được gì?

Đăng bởi: VNPT - IT

NHNN đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Việc sửa đổi này để phù hợp với Nghị định số 87/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền, theo đó cho phép các tổ chức tài chính tự quyết định gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ.

Bên cạnh đó, ngày 20/01/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia (đính kèm Quyết định số 149/QĐ-TTg). Một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện là “cho phép áp dụng quy trình nhận biết khách hàng đơn giản và gián tiếp từ xa bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC) đối với việc mở tài khoản tại các tổ chức được cấp phép để phục vụ cho nhu cầu thanh toán giá trị nhỏ của cá nhân và doanh nghiệp”.

Một động thái rõ ràng hơn nữa khi vào tháng 7/2020 vừa qua, Ngân hàng nhà nước đã cho phép một số Ngân hàng TMCP được triển khai thí điểm áp dụng giải pháp eKYC (định danh điện tử) vào hoạt động kinh doanh của mình, với yêu cầu phải đảm bảo an toàn rủi ro. Sau khi đi vào triển khai hoạt động, các ngân hàng này đã gặt hái được gì?

VP bank – Ngân hàng đầu tiên triển khai Định danh điện tử, cho biết hiện nay đã có khoảng gần 15.000 tài khoản được đăng ký mới, trương ứng với 50% kế hoạch của năm 2020. Trong khi đó Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP bank) chia sẻ, ngân hàng đã mở được gần 30.000 tài khoản mới thông qua hình thức mở tài khoản online và định danh điện tử eKYC. 

Cùng xu hướng đó, sau hơn một tháng áp dụng eKYC vào hệ thống, HD bank cho biết đã có thêm 35.000 khách hàng mới đăng ký iMoney trên App HDBank cùng 15.000 tài khoản đã thực hiện xác thực thông tin trực tuyến. Tại Vietcapital Bank, tỷ lệ khách hàng mới đăng ký tài khoản đến tháng 8/2020 ở ngân hàng này đã tăng gần gấp 3 lần so với hồi tháng 1/2020. Tỷ trọng khách hàng sử dụng các dịch vụ thông qua hình thức online cũng gia tăng đáng kể.

Nhìn chung, có thể thấy eKYC đang dần thay đổi cách tiếp cận của các khách hàng về dịch vụ ngân hàng. Mặc dù mới trong giai đoạn đầu đi vào triển khai, nhưng eKYC đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho các Ngân hàng, là chìa khóa giúp các ngân hàng tiếp cận công nghệ chuyển đổi số.